HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC TÌM KIẾM NGÔI MỘ CỦA ÔNG

Vừa qua, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vừa cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân, thuộc phường Trường An, thành phố Huế với mục đích tìm kiếm một số di chỉ của triều đại Tây Sơn tại Huế, trong đó có dấu vết nghi là mộ của Hoàng đế Quang Trung -Nguyễn Huệ. Ngoài gò Dương Xuân, Tại thành phố Huế còn có một số địa điểm khác được các nhà sử học, các nhà khảo cổ học dự Hội thảo khoa học tại Huế ngày 30-9-2016 nghi là những di chỉ các cung điện của Nhà Tây Sơn tại Huế.

Tượng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tại khu di tích lịch sử Gò Đống Đa.

1- Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và hai chiến dịch quân sự tiêu biểu.
Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại ấp Tây Sơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông còn có các tên gọi khác là Văn Huệ, Quang Bình, Hồ Thơm. Người dân địa phương thường gọi ông là “Đức ông Bình” hay “Đức ông Tám” vì ông là con thứ 8 đồng thời là con út trong gia đình cụ Nguyễn Phi Phúc. Trong đó có ba người con trai đều nổi tiếng với Khởi nghĩa Tây Sơn và Triều đại Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ. Sau khi đánh bại chúa Nguyễn Ánh, buộc ông này phải chạy ra Côn Đảo trú thân, ba anh em Tây Sơn lập nên Triều đại Tây Sơn, chia quân đóng giữ ba miền của Việt Nam. Nguyễn Nhạc là Thái Đức Hoàng Đế đóng đô ở Quy Nhơn. Nguyễn Lữ là Đông Định Vương đóng đô ở Gia Định. Nguyễn Huệ là Bắc Bình Vương đóng đô ở Phú Xuân, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cổng thành Phú Xuân cuối thế kỷ XVIII (tranh vẽ của một nhà truyền đạo Thiên Chúa Giáo).

Trong ba anh em nhà Tây Sơn, Quang Trung - Nguyễn Huệ là người nổi tiếng nhất. Ông là một trong những nhà quân sự kiệt suất hàng đầu của lịch sử Việt Nam, đồng thời là nhà chính trị có nhiều cải cách, chấn hưng đất nước. Trong cuộc đời ngắn ngủi chưa đầy 40 năm của mình, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn và quân đội nhà Tây Sơn đánh hàng trăm trận lớn nhỏ. Trong đó có hai chiến dịch được xếp vào hàng đầu của nghệ thuật quân sự Việt Nam là Chiến dịch Rạch Gầm - Xoài Mút trên sông Tiền Giang đoạn chạy qua Mỹ Tho và Chiến dịch Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789.

Sơ đồ trận Rạch Gầm – Xoái Mút

Trong chiến dịch Rạch Gầm - Xoài Mút, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chỉ huy quân đội Tây Sơn với chỉ 30.000 quân đánh bại 50.000 quân Xiêm (Thái Lan) xâm lược và 4.000 quân chúa Nguyễn. Bằng chiến thuật sử dụng pháo binh mai phục, sử dụng thuyền nhỏ đột kích, sử dụng hỏa công phối hợp, chỉ trong ngày 20-1-1785, quân đội Tây Sơn đã nhận chìm và đốt cháy hơn 300 chiến thuyền của quân đội Xiêm, tiêu diệt 20.000 thủy binh Xiêm, buộc số quân bộ đang tiến theo sau phải tháo chạy về nước. Vua Xiêm buộc phải từ bỏ vĩnh viễn âm mưu xâm lược Nam Bộ của Việt Nam.
Trong Chiến dịch Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789, bằng chiến thuật cơ động thần tốc, đánh nhanh, diệt gọn, truy kích, chặn kích… năm cánh quân Tây Sơn dưới quyền tổng chỉ huy của Nguyễn Huệ (lúc này đã lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung) do các đô đốc Đặng Tiến Đông, Đặng Xuân Bảo, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Tăng Long cùng các tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Diễm, Nguyễn Văn Hòa chỉ huy đã quét sạch hơn 200.000 quân Thanh khỏi Bắc Bộ Việt Nam. Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị (tổng chỉ huy), đề đốc Vân Quý Ô Đại Kinh và tên vua bán nước Lê Chiếu Thống dẫn tàn quân tháo chạy, khi về biên giới chỉ còn vài nghìn người. Thái thú Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử ở gò Đống Đa. Đề đốc Hứa Thế Hanh và các tướng nhà Thanh gồm Thượng Duy Thanh, Trương Triều Long, Lý Hóa Long, Hình Đôn Hành đều tử trận. Đây là lần thứ 13, Việt Nam giành chiến thắng trong các cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc và một trong 10 chiến dịch mẫu mực nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
2- Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và chính sách phát triển đất nước.
Trong hoạt động lãnh đạo chính trị, kinh tế, xã hội đối nội và đối ngoại của nhà Tây Sơn, Nguyễn Huệ cũng là người nổi trội nhất. Về đối ngoại, tuy giành chiến thắng lịch sử mùa xuân năm Kỷ Dậu 1798 nhưng ông vẫn giữ mối quan hệ mềm dẻo, hòa hiếu với Nhà Thanh ở Trung Quốc. Trong kinh tế đối ngoại, Quang Trung - Nguyễn Huệ không đi theo con đường “trọng nông ức thương” của tư tưởng Nho Giáo mà chủ trương đề cao thương nghiệp và mở rộng quan hệ buôn bán giữa Đại Việt với nước ngoài. Chỉ 2 năm sau chiến tranh, ông đã đạt được một thỏa thuận với nhà Thanh để mở một thương điếm của Đại Việt tại Nam Ninh (Quảng Tây) mua bán, trao đổi hàng hoá giữa hai nước. Ông cũng khuyến khích giao thương giữa các thương thuyền của thương nhân nước ngoài và các thương thuyền của Đại Việt. Trong vấn đề tài chính quốc gia, ông có một chính sách thuế đơn giản với thuế ruộng là chính dựa trên phận hạng ruộng đất thành nhất đẳng điền, nhị đẳng điền và tam đẳng điền với mức thuế không quá 150 bát thóc/1mẫu nhất đẳng điền ruộng công và thấp nhất là 30 bát thóc/1 mẫu tam đẳng điền ruộng tư. Các loại thuế khác như thuế điệu, thuế nhân đinh được ông cắt giảm để bớt gánh nặng cho dân chúng và phòng ngừa tham nhũng.


Về văn hóa giáo dục, Quang Trung - Nguyễn Huệ chủ trương bỏ Hán ngữ như là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của quốc gia. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Việt và được viết trong các văn kiện hành chính bằng hệ thống chữ Nôm. Ông quy định các bài hịch, chiếu chỉ phải soạn bằng chữ Nôm. Đề thi trong khảo thí phải viết bằng chữ Nôm và các sĩ tử phải làm bài bằng chữ Nôm. Ông còn chủ trương thay toàn bộ sách học chữ Hán sang chữ Nôm. Năm 1791, ông đã cho lập “Sùng chính viện” để dịch kinh sách từ chữ Hán sang chữ Nôm. Là người hiếu học, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chọn một quan văn và giao nhiệm vụ cứ 5 ngày một lần vào cấm cung để giảng giải kinh sách cho ông. Ngoài ra, Quang Trung còn quan tâm đưa việc học đến tận thôn xã. Trong “Chiếu lập học”, ông lệnh cho các xã phải chọn Nho sĩ bản địa có học thức, có hạnh kiểm tốt để đặt làm thầy dạy, giảng tập cho học trò. Vua Quang Trung rất trọng dụng nhân tài. Mùa xuân năm 1789, khi hành quân qua Nghệ An ra bắc đánh đuổi giặc nhà Thanh, ông đã mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra làm quan giúp nước. Sau nhiều lần chối, danh sĩ Nguyễn Thiếp đã xuống núi giúp Nhà Tây Sơn. Các cựu thần nhà Lê cũ như các tiến sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng, Bùi Dương Lịch... đều được ông trọng dụng trong bộ máy nhà nước.
Về tôn giáo, Vua Quang Trung có một chính sách tôn giáo rất tự do và rộng rãi. Dù là người đề cao Nho giáo nhưng ông vẫn bảo đảm hoạt động cho các tôn giáo khác như Phật giáo, Công giáo và các tín ngưỡng khác. Về Công giáo, các giáo sĩ được tự do hoạt động, truyền đạo, xây dựng nhà thờ. Ông cũng đồng thời thi hành chính sách bài trừ mê tín dị đoan rất mạnh, chấn chỉnh lại việc tu hành. Nhiều chùa ở các làng có người tu hành lạm dụng tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan đều bị đập bỏ để xây duy nhất một ngôi chùa ở huyện cấp trên. Những người tu hành không đạo đức, có hành động lưu manh hoặc lười biếng đều bị buộc phải hoàn tục.
Về quản lý hành chính nhà nước, trong phạm vi lãnh thổ của mình từ Phú Xuân trở ra, ông chia thành 14 đơn vị hành chính xứ gồm 13 xứ: Xứ Đông (Hải Dương), Xứ Bắc (Kinh Bắc, nay thuộc Bắc Ninh, Vĩnh Phúc), Xứ Đoài (Sơn Tây), Xứ Yên Quảng (Quảng Ninh và Hải Phòng), Xứ Lạng (Lạng Sơn, Cao Bằng), Xứ Thái (Thái Nguyên), Xứ Tuyên (Tuyên Quang), Xứ Hưng (Hưng Hóa, nay thuộc Phú Thọ, Yên Bái), Xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh), Xứ Sơn Nam Thượng (Hà Đông và Hà Nam), Xứ Sơn Nam Hạ (Nam Định và Thái Bình), Xứ Thanh ngoại (Ninh Bình), Xứ Thanh nội (Thanh Hóa) và Trấn thành Thăng Long. Mỗi xứ chia làm nhiều phủ, mỗi phủ chia làm nhiều huyện, mỗi huyện chia làm nhiều tổng, mỗi tổng chia làm nhiều xã, mỗi xã lại chia nhiều thôn. Thành Thăng Long gồm 1 phủ, 2 huyện, 18 phường. Các vùng biên viễn phía Bắc và Tây Bắc được giao cho các châu mục người địa phương cai quản theo ché độ tự trị, phục tùng chính quyền trung ương nhưng không phải đóng thuế cho triều đình.
Bộ máy hành chính nhà nước của Vua Quang Trung được tinh giản đến mức tối đa. Ở trung ương bao gồm các chức vụ Tam công (Thái sư, Thái bảo, Thái phó), Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu bảo, Thiếu phó), Đại chủng tể, Đại Tư đồ, Đại Tư khấu, Đại Tư mã, Đại Tư không, Đại Tư lệ, Thái úy, Ngự úy, Đại Tổng quản, Đại Đô hộ, Đại đô đốc, Đô đốc, Nội hầu, Hộ giá, Điểm kiểm, Chỉ huy sứ, Đô ty, Đô úy, Trung úy, Vệ úy, Tham đốc, Tham lĩnh, Trung Thư lệnh, Phụng Chính, Thị Trung đại học sĩ, Hiệp biện đại học sĩ, Lục Bộ Thượng thư (Binh, Hình, Công, Lễ, Lại, Hộ), Tả - Hữu đồng nghi, Tả - Hữu phụng nghi, Thị Lang, Tư vụ và Hàn Lâm. Tất cả có 45 chức vụ, mỗi chức vụ chỉ do một người nắm giữ, không có cấp phó. Vua Quang Trung là người trọng pháp trị. Ông đã ban chiếu cho soạn một bộ luật có tên là “Hình luật thư” nhưng việc chưa hoàn thành thì ông đã qua đời đột ngột.
Ở địa phương, mỗi xứ, Hoàng đế Quang Trung đặt một trấn thủ về quân sự và một hiệp trấn về chính sự. Mỗi huyện đặt một văn phân tri về chính sự và một võ phân suất về quân sự, một tả quản và một hữu quản. Công việc của quan văn là trưng đốc binh lương, xét xử tố tụng. Phận sự của quan võ là coi quản và thao diễn quân lính từ Đạo đến Cơ, từ Cơ đến Đội. Trong các xã, thôn thì có xã trưởng, thôn trưởng. Hàng tổng thì đặt Tổng trưởng (như chức vụ Chánh Tổng sau này) để quản việc hành chính trong một tổng. Về quản lý nhân khẩu, năm 1790, ông cho lập sổ theo dõi nhân khẩu (hay hộ khẩu). Người dân được chia làm bốn hạng theo lứa tuổi. Từ 9 đến 17 tuổi thuộc hạng “vị cập cách”; từ 18 đến 50 tuổi thuộc hạng “tráng”; từ 51 đến 60 tuổi thuộc hạng “lão”; trên 60 tuổi trở lên là hạng “lão nhiêu”. Ông còn cho làm thẻ bài “Thiên hạ đại tín” bằng gỗ có khắc họ tên, quê quán để người dân từ hạng tráng trở lên mang theo, không phân biệt giàu sang nghèo hèn. Đây là tiền thân của “Chứng minh thư nhân dân” hay “Thẻ căn cước công dân” ngày nay.


Vùng đất Đại Việt do Hoàng đế Quang Trung cai quản từ đèo Hải Vân trở ra chỉ sau 3 năm đã thay da đổi thịt. Người dân yên ổn làm ăn. Thóc lúa đầy bồ. Giao thương phát triển. Việc học hành đi vào nền nếp. Bộ máy hành chính có năng lực tốt, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Quốc phòng và an ninh được củng cố. Vua Quang Trung cũng đi tiên phong ở Việt Nam trong việc phát triển các pháo thuyền, tàu chiến gắn đại bác và pháo binh cơ động. Ngay trong Chiến dịch Rạch Gầm - Xoài Mút, ông đã cho đặt các cỗ pháo (gọi là “hỏa hổ”) lên các chiến thuyền để cận chiến, bắn chìm nhiều chiến thuyền của quân Xiêm. Trong Chiến dịch Thăng Long mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng cho gắn “hỏa hổ” lên bành voi chiến, trở thành những cỗ “xe tăng voi” có sức đột kích cao và công phá rất mạnh. Các đối thủ của ông như quân Thanh, quân Xiêm không có vũ khí tương đương và khắc chế.
Quang Trung – Nguyễn Huệ đặc biệt quan tâm đến củng cố quốc phòng. Nhà Tây Sơn dưới thời Quang Trung – Nguyễn Huệ có một lực lượng hải quân rất hùng hậu. Trong một bức thư của linh mục Jeaptiste Chaigneau gửi về Pháp cho biết ở Quy Nhơn, hải quân Tây Sơn có 54 tàu chiến, 93 thuyền chiến, khoảng 300 tàu pháo cỡ nhỏ, trên 100 thuyền buồm trang bị hỏa khí. Tại trận thủy chiến Cần Giờ cuối năm 1782 tiến đánh quân của Nguyễn Ánh có thủy quân Pháp tham chiến, hải quân Tây Sơn đã bắn cháy chiếc tàu chiến Pháp do đại úy Manuel - một sĩ quan Pháp trong quân đội chúa Nguyễn - làm thuyền trưởng và giết chết luôn viên sĩ quan này. Thừa thắng, hải quân Tây Sơn đánh tan luôn cả hạm đội của Nguyễn Ánh đang thả neo ở ngã ba sông Xoài Rạp, rồi tiến thẳng đến Bến Nghé, khiến chúa Nguyễn phải tháo chạy ra đảo Phú Quốc. Trong dân gian, người ta vẫn giữ được bản vẽ chiến thuyền Tây Sơn được ông phê duyệt là loại tàu chiến lớn bằng gỗ có 3 cột buồm và 18 mái chèo, hai lớp đáy, có boong tàu 2 tầng và đài chỉ huy, được gắn tới 10 khẩu pháo lớn hai bên mạn. Dựa theo bản vẽ này và những xác tàu được khai quật, các nhà sử học, khảo cổ học Việt Nam đã phục dựng mô hình tàu chiến chạy bằng buồm thời Tây Sơn có tên là “Đại hiệu”. Các nhà hàng hải quy nó thuộc lớp tàu “Định Quốc”. Đây cũng là một tên gọi do Quang Trung - Nguyễn Huệ đặt. Ông cũng quan tâm xây các binh chủng truyền thống như bộ binh, kỵ binh và đặc biệt là đội tượng binh Tây Sơn có sức chiến đấu cao với hơn 200 thớt voi được gắn hỏa hổ. Trong Chiến dịch Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789, Quang Trung – Nguyễn Huệ là vị tướng đầu tiên của Việt Nam sử dụng thủy binh đổ bộ từ chiến thuyền lên tác chiến trên mặt đất mà ngày nay, người ta gọi là Hải quân đánh bộ. Đó là đạo quân của đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
3- Cái chết của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và sự sụp đổ của nhà Tây Sơn.
Ngày 16-9-1792, Hoàng đế Quang Trung băng hà khi mới 39 tuổi. Trước khi chết, biết mình không thể qua khỏi, ông đã cho mời 2 trọng thần Trần Quang Diệu và Trần Văn Kỷ đến bên giường, dặn dò rằng việc chôn cất phải sơ sài, trong 1 tháng phải xong, đồng thời nhanh chóng phò thái tử sớm về Phượng Hoàng trung đô ở Nghệ An để khống chế thiên hạ, “nếu không thì binh Gia Định (tức quân của Nguyễn Ánh) đến, bọn ngươi không có chỗ chôn”. Sau khi Hoàng đế Quang Trung qua đời, thái tử Quang Toản lên kế ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Sự kiện băng hà của Hoàng đế Quang Trung được triều đình Tây Sơn giữ bí mật tuyệt đối trong hoàn cảnh các thế lực đối địch đang lăm le tiến đánh. Ở phía Bắc là nhà Thanh. Ở phía Nam là quân Nguyễn Ánh với sự trợ giúp của thực dân Pháp. Còn các giáo sĩ dòng Thừa sai Thiên Chúa giáo thì có mặt ở khắp nơi để thu thập tin tức tình báo, phục vụ âm mưu lâu dài của phương Tây.
Việc giữ bí mật hoàn hảo đến mức các giáo sĩ Thừa sai Thiên Chúa giáo, dù có mặt ở Phú Xuân nhưng phải đến cuối tháng 12 năm 1792 họ mới lờ mờ đoán ra qua lá thư của giám mục Longer, cai quản giáo phận Tây Bắc Việt Nam. Đối với nhà Thanh, thái tử Quang Toản đã cử Ngô Thì Nhậm dẫn đầu một đoàn ngoại giao qua Trung Quốc báo tang và xin tấn phong vua mới. Để che giấu hành vi đối phó của mình, Ngô Thì Nhậm thông báo về việc Quang Trung đã mất vào tháng 9 âm lịch, trễ hơn 2 tháng so với thời gian thực và cho biết Quang Trung - Nguyễn Huệ được an táng tại Linh Đường, Thăng Long (nay thuộc khu Linh Đàm, Hoàng Mai) nhưng thực chất đây là ngôi mộ giả.
Sau khi Hoàng đế Quang Trung - Nguyện Huệ mất, Nhà Tây Sơn sa vào lục đục tranh giành quyền lực trong nội bộ và suy yếu. Quyền lực liên tục chuyển tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên (anh trai Hoàng Thái hậu Bùi Thị Nhạn) sang tay các thế lực quân sự. Việc chém giết trong triều đã làm tổn thất nhiều tướng lĩnh của nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh thừa cơ tiến đánh Quy Nhơn. Vua Quang Toản đem quân cứu vua bác Nguyễn Nhạc đã chiếm luôn thành Quy Nhơn khiến vua bác đang bệnh nặng thổ huyết mà chết. Quân Nguyễn Ánh với sự giúp sức của người Pháp từ Gia Định tiến đánh ra Bắc, hạ thành Quy Nhơn năm 1800, Chiếm Phú Xuân năm 1801, tiến chiếm Nghệ An và Thăng Long năm 1802. Vua Quang Toản cùng các tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân bị bắt.
Sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã mở một chiến dịch truy sát trả thù hết sức tàn độc. Thiếu phó Trần Quang Diệu bị Nguyễn Ánh sai quân lột da sống. Tư đồ Võ Văn Dũng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ; Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng đều bị chém, phơi thây và bêu đầu ở chợ để thị chúng. Nữ đô đốc Bùi Thị Xuân, phu nhân của thiếu phó Trần Quang Diệu và con gái bị Nguyễn Ánh sai quân mang voi giày chết. Vua Quang Toản cùng với hai em là Quang Thùy, Quang Bảo và các anh là con của Nguyễn Nhạc đều bị Nguyễn Ánh xử tử bằng cực hình cho 5 voi xé xác. 17 người con khác của Hoàng đế Quang Trung cũng bị hành hình theo cách tương tự. Theo sách Đại Nam thực lục, Mộ của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc đều bị Nguyễn Ánh sai quân khai quật. Hài cốt của họ bị bỏ vào cối giã nát rồi nhồi vào nòng súng đại bắc ra sông Hương. Xương sọ của hai anh em bị xiềng lại và giam vào ngục tối. Lăng mộ của họ bị phá hủy. Mọi tài liệu sử sách biên chép dưới thời nhà Tây Sơn đều bị đốt bỏ. Tiền bạc trong kho đều bị đem nấu chảy. Đây là vụ trả thù chính trị tàn bạo và độc ác nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, vượt xa vụ Lệ Chi Viên là vụ án oan dẫn đến cái chết của Nguyễn Trãi gần 400 năm trước đó.
4- Ý nghĩa của việc tìm mộ Hoàng đế Quang Trung.
Dự án của các nhà khảo cổ học và các nhà sử học Việt Nam không chỉ đơn giản chỉ là tìm nơi an táng của một trong các vị Hoàng đế có công lao to lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm, xây dựng đất nước mà còn bao hàm cả việc tìm lại những hình ảnh đích thực của kinh đô Phú Xuân trước đây đã bị tàn phá. Do chính sách trả thù tận diệt của Gia Long Nguyễn Ánh, những tài liệu, sử liệu gốc về Nhà Tây Sơn đã bị thủ tiêu hoặc bị phá hủy rất nặng nề, gây không ít khó khăn cho việc dựng lại bức tranh lịch sử trung thực về nhà Tây Sơn, một nhà nước phong kiến hình thành từ một cuộc khởi nghĩa nông dân có quy mô lớn nhất lịch sử Việt Nam.


Những ý tưởng về việc tìm lại lăng mộ của Quang Trung Hoàng Đế được các nhà sử học thai nghén từ 24 năm trước và đã xảy ra một số nhầm lẫn. Năm 1992, Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế dựa trên một số cứ liệu chưa dược xác minh cẩn thận đã cho rằng cho rằng lăng mộ Quang Trung Hoàng đế là Lăng Ba Vành nằm ở phía sau Tu viện Thiên An và đã có dự án tôn tạo. Tuy nhiên, bằng những cứ liệu lịch sử tin cậy nhất, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã kịp thời chứng minh lăng Ba Vành là lăng mộ của Hộ bộ kiêm Binh bộ thượng thư Lê Quang Đại thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Dự án bị đình chỉ. Còn giả thiết mộ Quang Trung Hoàng đế đặt ở núi Khuân Sơn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế thì không vững chắc vì chỉ dựa trên duy nhất bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu” (Thấy linh cữu vua Quang Trung) của người đương thời là Lê Triệu (1771-1846), quê ở Lệ Trung, Đại Trung, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Trong ba giả thiết về lăng mộ vua Quang Trung là giả thiết núi Khuân Sơn, giả thiết lăng Ba Vành và giả thiết Cung Đan Dương thì giả thiết Cung Đan Dương (hay Phủ Dương Xuân) mở ra nhiều hướng nghiên cứu có giá trị nhất. Giả thiết này dự trên nhiều căn cứ sử liệu đã được thu thập. Trong bài Cảm Hoài, Ngô Thì Nhậm cho biết Hoàng đế Quang Trung đã cho xây một cung điện tên là Đan Dương (Đan Lăng) ở trong một vùng rừng núi và ông chọn làm nơi đặt thi hài của mình, (“Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”). Địa điểm này nằm gần Phủ Dương Xuân, mà hiện nay có thể ở ấp Bình An, phường Trường An, thành phố Huế, vốn là nơi làm việc của Thái sư Phan Huy Ích. Ngoài ra, khi Ngọc Hân mất, bà có di nguyện là được an táng bên cạnh Hoàng đế Quang Trung. Trong điều văn tại lễ an táng bà có câu: “Bên Đan Lăng quanh quất mạch liên châu”.
Một số sử liệu do các giáo sĩ dòng Thừa sai Thiên Chúa giáo có mặt ở Huế khi đó ghi lại cũng cho thấy Hoàng đế Quang Trung không ở trong kinh thành Phú Xuân mà chọn một địa điểm bí mật trên dãy núi phía Nam kinh thành, tựa lựng vào núi Ngự Bình, bên kia sông Hương để làm việc với các đại thần. Theo suy đoán của giới quân sự thì sở dĩ Quang Trung – Nguyễn Huệ không ở trong các cung điện Phú Xuân vì kinh thành này nằm kẹp giữa hai con sông Kim Long và Hương Giang, cả công và thủ đều bất lợi. Hiện nay, tại khu vực ấp Bình An, phường Trường An, thành phố Huế có hai địa danh được các nhà khảo cổ học chú ý là Đền Vũ Sự và Đình Dương Xuân Hạ được dựng trên gò Dương Xuân. Trong khu vực này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều di vật như các mảnh vỡ của các tấm bia, các phiến đá kê cột, gạch ngói cũ, giếng cổ .v.v… Sử liệu của nhà Nguyễn cũng cho biết, vua Thiệu Trị đã nâng cấp miếu Thành Hoàng của làng Dương Xuân được cho là xây dựng trên nền móng cũ của phủ Dương Xuân thành miếu Thành Hoàng cho toàn kinh thành Huế. Giả thiết về Cung điện Đan Dương được Hoàng đế Quang Trung cho xây như một hành cung ngoài kinh thành Phú Xuân được củng cố. Định vị được Cung Đan Dương, các nhà khảo cổ học sẽ tìm được vị trí ngôi mộ của Hoàng đế Quang Trung, cho dù nó đã bị khai quật và phá hủy.
Nếu kết quả thăm dò và khai quật khảo cổ cho kết quả như giả thiết thì ngoài hệ thống cung điện kinh thành Huế của triều Nguyễn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay, phía dưới thành phố Huế ở bờ Nam Sông Hương còn có một hệ thống cung điện của Nhà Tây Sơn đã bị phá hủy và chôn vùi dưới các lớp đất đá. Hy vọng rằng bức tranh lịch sử của nhà Tây Sơn dưới thời Quang Trung Hoàng đế tại Phú Xuân cùng với lăng mộ của ông sẽ được xác minh và phục dựng. và lịch sử cố đô Huế sẽ có thể xóa đi những vết trắng trong thời kỳ nó mang tên Phú Xuân dưới triều đại Tây Sơn.


EmoticonEmoticon